- Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại Hội thảo chuyên đề “Kiến trúc hiệu quả năng lượng” do Bộ Xây dựng phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCMC) tổ chức, ngày 02/10 tại Hà Nội. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam do Bộ Xây dựng chủ trì trong năm 2013 nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực thiết kế công trình xanh cho đội ngũ kiến trúc sư (KTS).
Hiệu quả phải bắt đầu tư khâu thiết kế kiến trúc
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC-HCM, trong cơ cấu sử dụng năng lượng tại Việt Nam, công trình tòa nhà chiếm 35-40% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Trong khi tốc độ tăng trưởng xây dựng của Việt Nam tăng bình quân 15%/năm. Đặc biệt, tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị được xây dựng ngày càng. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng hiệu quả tại các công trình này vẫn chưa thực sự hiệu quả bắt đầu tư khâu thiết kế kiến trúc.
Đồng quan điểm với ông Tước, ông Xavier Pinchart, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Bodens Engineering cho rằng: Đối với một KTS, giai đoạn thiết kế rất quan trọng. Do đó, trước khi thiết kế phải nghĩ đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả cho tòa nhà nhằm giảm tối đa việc sử dụng năng lượng. Cần phải sử dụng mô hình hóa, mô phỏng hóa để biết mức độ tiêu thụ năng lượng của tòa nhà trước khi xây dựng, nếu không sẽ rất khó thay đổi các giải pháp sau khi tòa nhà đã bắt đầu xây dựng.
Ông Tước nhận định: Việc tăng cường nhận thức và kỹ năng ứng dụng thiết kế công trình hiệu quả năng lượng trong cộng đồng đang là bài toán cần giải đáp hiện nay.
Cần một góc nhìn rộng
Đề cập đến giải pháp kiến trúc trong công trình tiết kiệm năng lượng (TKNL), KTS Trần Khánh Trung – Giám đốc thiết kế Cty TTT cho rằng: Một công trình hiệu quả năng lượng không chỉ có thiết bị TKNL mà còn phải có các giải pháp kiến trúc và giải pháp TKNL khi vận hành. Nếu chỉ có thiết bị TKNL thì công trình đó mới chỉ TKNL chứ không phải công trình sử dụng hiệu quả năng lượng.
Ông Trung cho rằng, giải pháp kiến trúc hiệu quả năng lượng phải giúp công trình đó giảm được việc sử dụng năng lượng và gia tăng hiệu suất sử dụng của các thiết bị.
Theo KTS Trung, giải pháp đơn giản nhất là giảm bớt diện tích không cần thiết trong công trình. Giải pháp này vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa giảm chi phí tiêu thụ năng lượng. Ví dụ đối với một tòa nhà có hình khối đơn giản vuông vức và một tòa nhà hình cong thì tòa nhà vuông vức không bị lãng phí không gian thừa, có thể tổng diện tích sàn nhỏ hơn nhưng diện tích sử dụng lớn hơn. Với mặt bằng kiến trúc đơn giản, có thể giảm được 20% chi phí đầu tư và 20% chi phí cho năng lượng. Điều quan trọng của KTS là tư vấn được cho khách hàng, nếu làm tốt chắc chắn khách hàng sẽ rất ủng hộ việc thiết kế kiến trúc hiệu quả năng lượng.
Ông Xavier Pinchart cũng đưa ra giải pháp thiết kế là phải hạn chế nhu cầu năng lượng ở mức tối thiểu, sử dụng các nguồn năng lượng bền vững, sử dụng nhiên liệu hóa thách một cách hiệu quả và sạch nhất. Ông Xavier đề xuất: Trong trường hợp phải sử dụng đến năng lượng cho tòa nhà, chúng ta phải nghĩ đến tất cả nguồn nguyên liệu tại chỗ có thể sử dụng cho dự án chứ không tập trung vào những nguồn năng lượng phải vận chuyển từ xa đến.
KTS Trần Khánh Trung cho biết: Tất cả các giải pháp như bố trí nội thất hợp lý về cảm thụ nhiệt, sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên, giảm diện tích sàn thừa của công trình, tận dụng ánh sáng tự nhiên… là những biện pháp TKNL hiệu quả, tuy nhiên mới giải quyết được 50-70% vấn đề năng lượng của công trình. Thay vào đó, khi thiết kế một công trình, cần phải nhìn toàn bộ vòng đời của công trình để giảm năng lượng tiêu thụ, từ khâu thi công đến vận hành và kết thúc. Kèm theo đó là giải pháp quy hoạch như mạng lưới giao thông công cộng phải rộng khắp, quy hoạch khu ở và khu làm việc không quá xa, các trường đại học kèm theo ký túc xá…
Kiến trúc năng lượng hiệu quả: Không khó
Theo KTS Trần Khánh Trung, việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không quá khó. Để tiết kiệm năng lượng, nhiều khi chỉ cần phân bố lại điều hòa không khí cho hợp lý. Ví dụ đơn giản như, trong một tòa nhà 5 tầng nhưng chỉ có 3 tầng cần sử dụng điều hòa không khí, nếu chúng ta bố trí các tầng cần sử dụng điều hòa cách nhau thì sẽ bị tổn thất nhiệt. Để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, chỉ cần bố trí 3 tầng cần sử dụng điều hòa không khí liên tiếp để giảm tổn thất nhiệt. Thậm chí, nếu một công trình cách nhiệt tốt thì không cần sử dụng điều hòa không khí.
Ông Xavier Pinchart chia sẻ: Cty Bodens Engineering từng thiết kế những tòa nhà không cần phải sử dụng năng lượng làm mát hay sưởi ấm công trình thông qua các giải pháp năng lượng địa nhiệt. Như ở châu Âu, Cty của ông đã xây dựng một dự án văn phòng hạng A trên 10 nghìn m2 với mức năng lượng tiêu thụ của tòa nhà gần bằng 0 và dự án xây dựng dùng nước biển làm mát mà không phải sử dụng đến bất kỳ điều hòa không khí nào.
Cty đã xây dựng một hệ thống khép kín để làm nóng và làm mát cho tòa nhà. Trước khi kết cấu bê tông được hoàn thiện, Cty sẽ đặt những đường ống nước trong kết cấu bê tông, sau khi tòa nhà hoàn thiện, nước sẽ được đổ vào trong đường ống để làm nhiệm vụ trao đổi nhiệt.
Theo ông Xavier Pinchart, công nghệ này không cần những trang thiết bị máy móc phức tạp mà chỉ cần một máy bơm và nguồn nhân lực. Vì vậy công nghệ có thể áp dụng phù hợp ở Việt Nam.
Để đẩy mạnh việc xây dựng các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, mới đây Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 09:2013/BXD “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” thay thế quy chuẩn QCXDVN09:2005. Tuy nhiên, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào các công trình xây dựng hiện vẫn còn hạn chế do nhiều yếu tố khách quan như thiếu nguồn hỗ trợ tài chính vì giá thành xây dựng tòa nhà xanh cao, chưa có đơn vị đào tạo chính thống về công trình xanh, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại Việt Nam… |
Phạm Bùi