» Quy hoạch không còn phù hợp: Phải điều chỉnh

Tại TP.HCM đã có hàng trăm đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt. Trong đó có những đồ án đã được phê duyệt cách đây gần 10 năm, đến nay không còn phù hợp nhưng cơ quan chức năng vẫn không điều chỉnh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Gần 10 năm không triển khai

Năm 2003, bà H.N.H.A. mua đất bằng giấy tay tại đường 24, phường Linh Đông (Thủ Đức) và tự xây nhà, đến năm 2007 căn nhà được UBND quận Thủ Đức cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng). Tuy nhiên trong sổ hồng được cấp cơ quan chức năng ghi chú: vị trí nhà đất nằm hoàn toàn trong đất thương mại kết hợp nhà ở cao tầng theo quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt theo Quyết định 1201/2005/QĐ.UBND ngày 2-11-2005 của UBND quận Thủ Đức (gọi tắt đồ án 1201). Gần 10 năm qua đồ án 1201 được phê duyệt nhưng thực tế không thấy chuyển động gì, trong khi đó nhà cửa được người dân xung quanh xây dựng ngày một đông đúc. Mới đây bà A. có ý định bán căn nhà của mình nhưng khi khách định mua xem qua giấy tờ đều tỏ ra ngần ngại khi thấy thông tin ghi trên “sổ hồng”. Trao đổi với chúng tôi, bà A. bức xúc cho rằng, quyết định ban hành gần chục năm nhưng không thấy “nhúc nhích” gì, nếu không triển khai thì bỏ cho người dân nhờ, tại sao lại “treo” lâu đến vậy?

3

Trao đổi với PV báo SGGP, ông Lê Xuân Tùng, Phó phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, cho biết nhà bà A. không phải “dự án treo” mà là đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 theo Quyết định 1201 ban hành năm 2005. Đồ án này có quy mô 115ha, đây là định hướng phát triển không gian đô thị của quận. Trên cơ sở đó, khi có nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào khu vực này, nếu phù hợp với định hướng phát triển thì quận sẽ giới thiệu. Tuy nhiên để một dự án được hình thành, cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhà đầu tư phải triển khai hàng loạt công việc theo quy định của pháp luật như thuận địa điểm với nhà đầu tư, nhà đầu tư tiến hành thương lượng đền bù, giải tỏa với người dân, lập quy hoạch chi tiết 1/2000, 1/500 cho dự án… Tuy nhiên, sau gần 10 năm đồ án được phê duyệt, đến nay chưa có nhà đầu tư nào tìm hiểu khu vực này. Như vậy muốn triển khai dự án, về nguyên tắc chủ đầu tư phải thương lượng với người dân theo nguyên tắc sát giá thị trường. Ông Tùng cho biết thêm, sắp tới cơ quan chức năng sẽ rà soát lại khu vực này để điều chỉnh vì sau 10 năm, những định hướng ban đầu không còn phù hợp. Hiện nay nhà cửa, dân cư sinh sống rất đông. Còn quyền lợi của người dân trong đồ án quy hoạch vẫn được đảm bảo như chuyển nhượng mua bán, xây dựng mới, được đền bù theo thỏa thuận khi có nhà đầu tư triển khai dự án…

Trách nhiệm của cơ quan chức năng?

Một vị lãnh đạo TPHCM cho biết, về công tác tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị, TP đã phê duyệt hoàn tất các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/5000 của các quận huyện đúng tiến độ. Về quy hoạch chi tiết và quản lý 1/2000 trên địa bàn các quận, huyện tổng số là 629 đồ án, trong đó phải lập mới hoặc điều chỉnh 280 đồ án. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân có nhà, đất trong vùng quy hoạch, mới đây UBND TP đã ban hành Quyết định 21 về cấp phép xây dựng tạm. Theo quy định, nếu sau 5 năm quy hoạch mới thực hiện thì những “công trình tạm” sẽ được bồi thường theo quy định chứ không phải “tự tháo dỡ” và không được bồi thường. Mới đây, Văn phòng UBND TP có thông báo số 532/TB-VP hướng dẫn thêm: Tất cả các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) đã được phê duyệt trước ngày 1-7-2013 đều được cấp phép xây dựng, căn cứ vào mốc thời gian 1-7-2013 để xác định thời gian sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ khi cấp phép xây dựng tạm. Với các đồ án quy hoạch 1/2000 phê duyệt sau ngày 1-7-2013 thì các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xác định thời gian cụ thể thời gian sử dụng công trình nhà ở riêng lẻ khi cấp phép xây dựng tạm theo Quyết định 21 ngày 28-6-2013 của UBND TPHCM.

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TPHCM, cho biết đến nay Quyết định 21 của UBND TPHCM là văn bản mới nhất đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch “treo”. Theo quy định, đồ án quy hoạch sau 5 năm phải rà soát để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh phải tham khảo ý kiến người dân để đảm bảo tính khách quan. Quy định là vậy nhưng thực tế có những đồ án đã gần 10 năm nhưng vẫn không được điều chỉnh, mặc dù thực tế đã không còn phù hợp với định hướng phát triển khi phê duyệt, đồ án 1201 nói trên là một ví dụ. Hay buổi công bố đồ án quy hoạch tại UBND phường Bình An (quận 2) mới đây khiến hàng trăm người dân bức xúc. Theo đó, đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị chỉnh trang kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được thông qua nhưng trước đó cơ quan chức năng chưa lấy ý kiến người dân, đặc biệt là về các vấn đề có liên quan như đền bù, giải tỏa, an sinh xã hội… Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng đã rõ, nhưng trách nhiệm của các cơ quan thực hiện thì không thấy đề cập.

Theo SGGP

Thiết kế website bởi BITS Co., Ltd